Thu Thập Thông Tin Về Bản Thân – Cách ghi chép sai lầm

1. Thu thập thông tin về bản thân

Ở bài trước, chúng ta đã thảo luận về ví dụ của những sai lầm và cách phân loại chúng . Ở bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách thu thập thông tin về bản thân và cách ghi chép/lưu trữ chúng

Để bắt đầu quá trình loại trừ khuyết điểm nhân cách, các bạn hãy viết ra những sai lầm mà mình tự nhận thức được hoặc do người khác chỉ ra trong khoảng 7 đến 10 ngày. Đây có thể bao gồm những sai lầm của bạn mà bạn tự nhận thức được khi chứng kiến sai lầm của người khác và nhận ra mình cũng phạm sai lầm tương tự. Thông qua cách viết ra những sai lầm của mình, chúng ta thực chất đang thu thập thông tin về bản thân để hỗ trợ chúng ta phân tích tính cách của mình. Lúc đầu sự nhận thức về những sai lầm của chúng ta rất kém hoặc hoàn toàn không có sự nhận thức, nên chúng ta có thể nhận sự giúp đỡ của người khác. Sau khoảng 10 ngày, một người có thể thấy được những sai lầm nào của mình thường xảy ra và giúp họ biết được điểm nào cần khắc phục.

2. Khi ghi chép sai lầm cần rõ ràng

Khi ghi chép sai lầm, chúng ta cần học cách viết những sai lầm một cách thật rõ ràng và ngắn gọn để giúp tâm thức hiểu rõ lỗi sai của chúng ta.

Tâm thức có khuynh hướng tự bảo vệ nó. Chính vì lý do này mà tâm thức của chúng ta thường cố gắng che đậy những sai lầm hoặc khiến chúng ta mơ hồ, để chúng ta không tìm cách khắc phục những nhược điểm đó. Kết quả là tâm thức lừa chúng ta và gây khó hiểu, và tăng thêm cảm giác ‘Mình đúng’ trong suy nghĩ của chúng ta. Vì vậy, những sai lầm lúc viết ra càng rõ ràng và ngắn gọn bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

Hãy xem ví dụ sau đây về cách viết sai lầm không phù hợp.

“Hôm nay có nhiều chuyện khiến mình phải la mắng con. Chúng không chịu giữ sạch sẽ thứ gì cả. Cho dù mình có nói nhiều đến mức nào chúng vẫn không nghe. Hôm nay mình đã phải nghiêm khắc. Hành vi của bé Na càng ngày càng hư. Con bé luôn vòi vĩnh đồ mới. Là bậc cha mẹ, mình muốn mọi thứ cân bằng, nhưng những yêu cầu của bé Na không giảm. Vấn đề khó xử ở đây là nếu mình cứ đáp ứng những yêu cầu của con, con sẽ không hiểu được giá trị của những gì con có được. Mặt khác, nếu mình không đáp ứng con, con sẽ nghĩ là cha mẹ không ủng hộ chúng. Mình biết giai đoạn này là tạm thời nhưng lúc đó mình vẫn nạt nộ con.”

Bạn có thể thấy rằng trong ví dụ này, có quá nhiều khía cạnh được nhắc tới, vì vậy làm áp đảo tâm thức. Chỉ nên viết mỗi lần một khía cạnh làm phiền ta thì tốt hơn. Trong ví dụ này, có 2 sai lầm.

Dựa theo ví dụ ở trên, sau đây là cách viết sai lầm hiệu quả hơn.

1. Lúc bé Na không dọn dẹp tủ của nó mặc dù mình đã nhắc nhở nhiều, mình đã nổi giận với con bé.

2. Lúc bé Na xin mình mua cho bé một đôi giày đắt tiền, mình đã phản ứng rằng nếu mình  cứ đáp ứng những yêu cầu của con, con sẽ xem việc này là đương nhiên và nghĩ mọi thứ trên đời đều dễ mà có được.

Trong ví dụ trước, chúng ta sẽ thấy khó để xác định được vấn đề. Nếu chúng ta không thể xác định được vấn đề để lý trí hiểu được, thì sẽ khó để có thể phân tích sai lầm đó và tìm cách xử lý chúng. Để có thể bắt tâm thức nhìn nhận nguyên nhân của một vấn đề/phản ứng nào đó, sự rõ ràng vô cùng quan trọng. Bằng cách phân chia cả một tình huống thành những phần nhỏ chứa sai lầm và viết ra, tâm thức và lý trí sẽ nhận thức rõ được lỗi sai nằm ở đâu, từ đó xác định được khuyết điểm nhân cách nào gây ra sai lầm đó một cách tốt hơn.

3. Hãy tập trung vào bản thân

Đôi khi chúng ta nhận biết được mình phạm sai lầm khi chúng ta phản ứng lại với người khác. Tuy nhiên, đâu đó tâm thức lừa chúng ta tin rằng việc mình phản ứng lại là hợp lý. Từ đó, khi một người viết sai lầm của họ, họ viết ra bằng cách đem hết lỗi sai của người kia vào câu chuyện của họ. Việc này khiến một người tập trung vào sai lầm của người khác, trái ngược với việc tự soi xét bản thân trong mỗi tình huống.

Ví dụ – sai lầm viết bằng thái độ hướng ngoại và tập trung vào sai lầm của người khác.

Hải, chồng mình lúc nào cũng ôm điện thoại và anh ấy không bao giờ dành thời gian cho mình. Hôm nay lại thế nữa. Mình muốn bàn vài việc với anh ấy và ảnh nói là sẽ dành thời gian cho mình, thế rồi lại tiếp tục ôm điện thoại và để mình đợi. Mình thấy như vậy thật thô lỗ và thái độ tệ hại của anh ấy đã khiến mình tức giận.

Ví dụ – sai lầm viết bằng thái độ hướng nội và tập trung vào tự soi xét bản thân.

Mình nổi giận với chồng khi mình mong đợi anh ấy dành thời gian cho mình trong lúc anh ấy đang sử dụng điện thoại.

Chúng ta có thể thấy rằng ví dụ thứ 2 hướng người viết về sự hướng nội hơn. Đây là sự xúc tác để giúp chúng ta tự hỏi chính mình. Từ đó sự lý luận sẽ chuyển sang thái độ như sau,

“Ừ thì anh Hải đã bận sử dụng điện thoại nhưng sao nó lại ảnh hưởng đến mình nhiều như vậy? Sau tất cả, mình đã không nói trước với anh ấy. Ít nói chuyện có thể là vấn đề của anh ấy nhưng cơn tức giận trong lòng chỉ khiến mình khổ thôi. Hơn nữa, mình tự cho rằng chuyện mình cần nói với ảnh là quan trọng hơn việc anh ấy đang làm. Làm thế nào để mình giảm bớt sự nóng giận của mình đây?

4. Khi ghi chép sai lầm cần trung thực

Sử dụng từ không chính xác

Đôi lúc, chúng tôi thấy các đạo viên khi viết sai lầm thường sử dụng những từ ngữ làm giảm mức độ của sai lầm phạm phải. Ví dụ, một người đã viết sai lầm của anh ấy như sau.

“Lúc Trang xúc phạm mình trước mặt những đồng nghiệp, mình đã hơi giận và muốn trả đũa lại cô ấy.”

Thật sự thì anh ấy đã rất giận nhưng lại không muốn thừa nhận rằng mình bị việc đó làm ảnh hưởng. Đồng thời anh ấy đã rất muốn xúc phạm lại Trang trước mặt bạn cô ấy để dạy cô ấy một bài học. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu anh ấy viết sai lầm của mình như sau.

“Lúc Trang xúc phạm mình trước mặt những đồng nghiệp, mình đã rất giận và rất muốn xúc phạm Trang trước mặt bạn cô ấy.”

Tốt hơn nên hạn chế sử dụng những từ như ‘hơi’ hoặc ‘một chút’ đi kèm với các khuyết điểm nhân cách. Vì như vậy sẽ làm thông tin truyền tải đến tâm thức và lý trí bị sai lệch, rằng vấn đề không thật nghiêm trọng sau tất cả.

Thừa nhận khuyết điểm với chính mình

Nhiều khi những đạo viên cũng thấy khó khăn để tự thừa nhận rằng họ có vài khuyết điểm nhân cách nào đó. Ví dụ, sẽ không sao để một người thừa nhận rằng họ có sự nóng giận đối với vợ/chồng của họ, vì chuyện này khá phổ biến. Tuy nhiên, sẽ khó hơn để một người có thể thừa nhận rằng họ có sự đố kỵ hoặc ganh tị đối với những đạo viên khác nhờ nỗ lực nên được khen ngợi. Khuyết điểm nhân cách như đố kỵ, ganh tị, tham lam và dục vọng thường khó hơn để có thể thừa nhận, trái lại lười biếng, lộn xộn, vô trách nhiệm thì dễ hơn.

Đôi khi, vì nhu cầu bảo vệ hình tượng của bản thân quá cao khiến cho một người không thể viết ra một sai lầm nào đó mặc dù họ tự nhận thức được.

 

5. Những bí quyết thuận lợi cho việc ghi chép sai lầm

Download a sample chart for PDR and Ego Removal

  • Ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản và trung thực là những yếu tố quan trọng cần ghi nhớ khi ghi chép sai lầm.
  • Nếu một sai lầm tương tự xảy ra nhiều lần trong ngày – chúng ta có thể viết sai lầm đó một lần nhưng đồng thời ghi chú tần suất xảy ra của sai lầm đó để biết mức độ của nó.
  • Hãy cố gắng ghi chép sai lầm thường xuyên. Các bạn có thể sử dụng Bảng PDR để ghi chép sai lầm của mình. Cột B trong trang ‘Sai Lầm Của Tôi’ là chỗ để ghi những sai lầm của bạn vào và Cột A để ghi ngày tháng của sai lầm đó. Bài viết này chủ yếu hướng dẫn các bạn cách điền Cột B trong Bảng PDR.
  • Đôi khi, sự ganh tị hoặc kiêu hãnh thoáng qua trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta nên ghi chép ngay mỗi khi phát hiện, vì đến cuối ngày khi ngồi xuống ghi chép những sai lầm, ta có thể sẽ quên mất.
  • Luôn mang bên người công cụ tiện tay để ghi chép sai lầm, chẳng hạn như giấy bút hoặc ứng dụng ghi chú trong điện thoại.
  • Tham gia satsang cùng hội SSRF sẽ giúp các bạn nhận thức rõ hơn đâu là sai lầm, cách tăng khả năng chú ý để xác định sai lầm và cách ghi chép sai lầm..