Phương Tiện Hỗ Trợ Phân Tích Bản Thân – Bảng PDR (Phần 1)

Phương Tiện Hỗ Trợ Phân Tích Bản Thân – Bảng PDR (Phần 1)

1. Giới thiệu về phân tích bản thân

Mỗi người ai cũng có nhân cách và những khuyết điểm nhân cách với nhiều cấp độ khác nhau, người có nhiều hoặc ít. Trong bài Tự nhận thức là bước đầu để hoàn thiện nhân cách, chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của tự nhận thức khuyết điểm nhân cách để có thể trở thành một người tốt hơn. Tuy nhiên, để có thể thấu hiểu được bản thân không dễ dàng, và một người có thể mất nhiều tháng để khám phá được bản chất tâm thức và nhân cách của họ, huống chi là thực hiện loại bỏ khuyết điểm nhân cách. Phân tích bản thân một cách khách quan khá khó khăn và là một khả năng cần một thời gian để phát triển, và đòi hỏi một người phải khách quan và trung thực về chính mình. Ngoài ra phân tích bản thân cũng liên hệ với sự khát khao muốn tìm hiểu tâm thái thật sự của chúng ta.

Trong bài trước, chúng tôi đã hướng dẫn các bạn cách lưu trữ các tình huống sự việc chứa những sai lầm hoặc phản ứng tai hại của bạn. Đây là bước đầu của việc thu thập thông tin về bản thân. Một khi bạn đã lưu lại những sai lầm khác nhau của mình, bạn đã sẵn sàng cho các bước tiếp theo trong việc phân tích sai lầm của mình. Ở bài này và những bài sau, chúng tôi sẽ giải thích về các bước này. Chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn một cơ cấu phân tích và xác định nguồn gốc của sai lầm, đồng thời giúp các bạn hiểu biết về những mức độ của sai lầm.

Trong bài này, chúng tôi thảo luận về cách phân tích sai lầm theo các cột D, E và F trong Bảng PDR.

Phương Tiện Hỗ Trợ Phân Tích Bản Thân – Bảng PDR (Phần 1)

2. Cột D – Cách xác định mức độ của sai lầm

Trước khi chúng tôi giải thích về danh sách tùy chọn của cột D, chúng tôi muốn cung cấp vài kiến thức căn bản về những tiêu chí khác nhau trong việc xác định mức độ sai lầm. Các tiêu chí đó là:

  1. Bản chất của tính cách: Trong trường hợp này, nghĩa là bản chất của khuyết điểm nhân cách.
  2. Cường độ / mức độ của khuyết điểm: Ý chỉ mức độ nghiêm trọng của khuyết điểm nhân cách.
  3. Động lực của khuyết điểm nhân cách: Nghĩa là mất bao lâu để khuyết điểm nhân cách khiến một người hành động hoặc phản ứng. Ngoài ra cũng chỉ thời lượng bao lâu của phản ứng.
  4. Khuyết điểm nhân cách đã tồn tại được bao lâu? Khuyết điểm đó là chính hay phụ?
    • Khuyết điểm nhân cách chính là khuyết điểm đã phổ biến lâu năm, ví dụ từ thời thiếu niên. Đa phần những tính cách này đã ăn sâu trong nhân cách của một người.
    • Khuyết điểm nhân cách phụ là những khuyết điểm có thể xuất hiện sau một sự kiện không hay nào đó xảy ra như mất người thân hoặc thi trượt, hoặc mắc bệnh trầm cảm chẳng hạn.Tuy nhiên, nếu một người không thể loại bỏ được những khuyết điểm này, thì theo thời gian những khuyết điểm phụ này cũng sẽ được xem là một phần trong nhân cách người đó.
  1. Mức độ ảnh hưởng đến xã hội và người xung quanh.

Chúng tôi không chỉ xem xét bản chất và số lần xuất hiện của một tính cách/đặc điểm mà còn xem xét liệu nó có động lực hoặc sự thúc đẩy hay không. Do đó, động lực của vài tính cách có thể được định lượng bằng nhân tố thời gian. Hãy xem vài ví dụ trong bảng sau đây để hiểu rõ hơn.

Ví dụ 1: Một người nghiện rượu (phương diện thể xác)

Tiêu Chí Biểu Hiện
Bản chất của tính cách Uống rượu whisky
Số lần của tính cách Uống 8 ly rượu 1 ngày
Động lực của tính cách Uống 8 ly rượu trong vòng nửa tiếng
Chính hay Phụ Thói quen này đã tồn tại được 20 năm – vì thế được xem là ‘chính’ vì nó đã ăn sâu vào nhân cách người này.
Ảnh hưởng đến người khác Lớn – Thỉnh thoảng dẫn đến hành vi bạo lực

Ví dụ 2: Một người nóng nảy (phương diện tinh thần)

Tiêu Chí Biểu Hiện
Bản chất của tính cách Nóng nảy
Số lần của tính cách Rất hay nổi nóng
Động lực của tính cách Liên tục nổi nóng trong suốt nhiều giờ mỗi khi bị chọc giận.
Chính hay Phụ Phụ – Sự nóng nảy của người này gia tăng từ 1 năm trước sau khi anh ấy bị mất việc và đến giờ vẫn chưa tìm được công việc khác.
Ảnh hưởng đến người khác Lớn – Gây mất hòa khí trong gia đình và với bạn bè.

Những tính cách của một người có thể tăng cường hoặc vô hiệu lẫn nhau, ví dụ sự thông minh hoặc kiến thức về tác hại của rượu đến sức khỏe có thể thay đổi và giảm ý thích với rượu của người đó.

Như đã thấy ở 2 ví dụ trên, một người có thể phân tích và xác định được mức độ, động lực và sức ảnh hưởng của những hành động và phản ứng của họ. Để có thể lưu giữ những thông tin này vào Bảng PDR hàng ngày, chúng tôi đã cung cấp cột D trong Bảng PDR. Tùy theo sự phân loại sai lầm của bạn trong cột C là hành động, phản ứng hay cả hai, thì danh sách tùy chọn của cột D sẽ biến đổi tương ứng như sau.

Phản ứng Hành động Cả Hai (Phản ứng & Hành động)
Vài phút Đôi khi Ít nghiêm trọng
Vài giờ Thỉnh thoảng Trầm trọng
1 ngày Thường xuyên
Vài ngày Kinh niên
Vài tuần
Vài tháng

Thông qua sự phân tích mức độ của những sai lầm do khuyết điểm nhân cách, một người có thể đưa ra quyết định tốt hơn trong việc lựa chọn khuyết điểm nào họ cần ưu tiên sửa đổi trước. Đồng thời là một dấu hiệu cho thấy khoảng bao lâu để loại bỏ một khuyết điểm nhân cách. Trong hình dưới đây, chúng tôi chia sẻ cho các bạn cách để quyết định khuyết điểm nhân cách nào bạn nên sửa đổi trước.

Khuyết điểm nhân cách với mức độ nghiêm trọng và do khuyết điểm này mà người khác chịu ảnh hưởng cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Trong vài trường hợp, sức ảnh hưởng của khuyết điểm nhân cách của một người có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người, từ đó khiến cho nghiệp xấu (quả báo) của người đó tăng theo cấp số nhân. Chẳng hạn, khi một chính trị gia tham nhũng do tính tham lam mà ăn cắp tiền của chính phủ cho mục đích cá nhân, sức ảnh hưởng của khuyết điểm nhân cách này rất lớn.

Nếu một người không thể sửa đổi khuyết điểm nhân cách nghiêm trọng nhất vì một lý do nào đó, thì người đó có thể bắt đầu với một khuyết điểm nhẹ hơn và sau đó nên cố gắng tìm cách loại bỏ những khuyết điểm nặng hơn.

3. Cột E – Vấn đề lâu năm hoặc đã kéo dài

Trong cột E, bạn có cơ hội để nhấn mạnh liệu một tình huống/phản ứng đã xảy ra có phải là một vấn đề kéo dài lâu năm hay không. Lựa chọn của cột này chỉ đơn giản là ‘Có’ hoặc ‘Không’.

Ví dụ, nếu trong vòng một thập kỷ đến giờ, một người đã nhận thấy một phản ứng của bản thân như ‘cảm giác ganh tị khi đồng nghiệp được khen ngợi’, thì họ có thể chọn ‘Có’ trong cột E cho phản ứng đó.

Thông qua lựa chọn ‘Có’ cho tình huống vừa mới đề cập, bạn đang nhấn mạnh để bản thân tự nhận thức được rằng những việc này đã có thể khiến bạn và người khác đau khổ trong nhiều năm. Cột này liên hệ với cột D trong việc xác định ‘mức độ’ và nó giúp chúng ta hiểu rõ về tính nghiêm trọng của một khuyết điểm nhân cách gây sai lầm và bao lâu nó đã gây phiền toái cho chúng ta.

Tương tự, nếu một tình huống/phản ứng không phải là một vấn đề đã kéo dài, bạn có thể chọn ‘Không’ trong cột E.

4. Cột F – Ai nhận thấy sai lầm?

Phương Tiện Hỗ Trợ Phân Tích Bản Thân – Bảng PDR (Phần 1)

Trong cột này bạn có cơ hội để chỉ định ai là người nhận thấy những sai lầm của bạn. Về cơ bản là có 2 lựa chọn – bản thân và người khác.

Lưu ý quan trọng là cột này giúp chúng ta hiểu rõ trình độ tự nhận thức của mình. Nếu người khác để ý thấy những sai lầm của chúng ta nhiều hơn bản thân ta tự nhận thấy, thì đây cũng là một điểm đáng lo ngại vì nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta thiếu nhận thức về những hành động, phản ứng và ảnh hưởng của nó đến người khác của chúng ta.

Thêm nữa, danh sách tùy chọn của cột này cũng cho phép bạn lựa chọn bộ phận người nào đã nhận thấy sai lầm của bạn như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên hoặc đạo viên. Những người tiếp xúc với bạn mỗi ngày đa phần sẽ nhận thấy những sai lầm của bạn. Hãy chú ý nếu họ nổi giận với bạn hoặc nhắc nhở bạn về điều gì đó bạn làm hoặc không làm. Nếu bạn nhìn nhận những dạng phản hồi này một cách khách quan, thì bạn sẽ thấy rằng thật ra họ đang nói cho bạn biết vài điều về bản thân bạn. Ngay cả khi bạn không đồng tình với những ý kiến đó, nó vẫn được xem là sai lầm trong mắt họ, nên tốt nhất là ghi chép lại và tự soi xét mình với những ý kiến đó. Một khi bạn đã quen với quy trình loại trừ khuyết điểm nhân cách, bạn còn có thể chủ động đi hỏi những người hay tiếp xúc với bạn về bất cứ điều gì họ nhận thấy ở bạn để giúp bạn cải thiện bản thân. Bạn có thể nhờ họ nói cho bạn biết về những trường hợp cụ thể mà họ nghĩ rằng bạn đã sai. Khi bạn bắt đầu tham gia satsang và thực hiện vài hoạt động satsēva, thì những đạo viên khác mà đã quen thuộc với phương pháp loại trừ khuyết điểm nhân cách sẽ có cơ hội để quan sát bạn và giúp đỡ bạn xác định điểm nào cần khắc phục.

Hãy xem phần tiếp theo, Phương tiện hỗ trợ phân tích bản thân – Bảng PDR (Phần 2)