Tự Nhận Thức Là Bước Đầu Để Hoàn Thiện Nhân Cách

1 Tầm quan trọng của tự nhận thức bản thân

Ở phần trước, chúng ta đã thảo luận những kiến thức căn bản về nguồn gốc của tính cách và tại sao khuyết điểm nhân cách có thể làm giảm khả năng phát triển và hoàn thiện của con người. Khuyết điểm nhân cách là nguyên nhân chính gây ra đau khổ. Nếu do số phận mà một người phải trải qua một nỗi đau, thì thông qua khuyết điểm nhân cách làm trung gian khiến ta phải chịu nỗi đau đó. Một điều quan trọng hơn cần lưu ý dành cho những ai thật sự muốn tăng trưởng tâm linh, khuyết điểm nhân cách có thể ngăn chặn khả năng phát triển tâm linh cho dù đi theo bất kỳ pháp môn tu tập nào. Khi một người có tinh thần mạnh khỏe và sự bình tâm (do ít tính xấu), thì người đó sẽ dễ dàng tăng trưởng tâm linh nhanh chóng và đạt được một nhân cách lý tưởng thông qua tu tập tâm linh.

2 Tự nhận thức là gì ?

Bất kì ai thật sự muốn cải thiện và hoàn thiện bản thân hoặc tăng trưởng tâm linh đến cấp cao hơn thì nên cần tích cực tìm hiểu chính mình. Bởi vì chỉ khi một người biết mình thiếu sót ở điểm nào, họ mới có thể nỗ lực để khắc phục điểm đó.

Định nghĩa Tự Nhận Thức :

  1. Tự nhận thức là khả năng tự soi xét bản thân.
  2. Bao gồm sự hiểu biết và tầm nhìn sâu về bản thân, về những điểm mạnh, điểm yếu, giá trị, khiếm khuyết, ý tưởng, lý tưởng, suy nghĩ, niềm tin, phản hồi, phản ứng, thái độ, cảm xúc và cảm hứng của một người.
  3. Hơn nữa, tự soi xét còn bao gồm tự xem xét cách người khác nhìn nhận mình
  4. Tự suy xét tác động của những hành vi, phản ứng và cách cư xử của mình đến người khác.

Các nhà tâm lý học thường chia tự nhận thức thành 2 dạng, riêng tư hoặc công khai.

  1. Tự nhận thức công khai : dạng này xảy ra khi một người nhận thức được biểu hiện của mình với người khác. Nhận thức công khai thường xảy ra trong những trường hợp ta là tâm điểm chú ý, như khi diễn thuyết hoặc giao tiếp với bạn bè. Nhận thức dạng này thường bắt buộc mọi người tuân theo những chuẩn mực xã hội. Khi chúng ta nhận thức được mình đang bị quan sát và đánh giá, chúng ta thường cố cư xử theo những cách được xã hội chấp thuận và mong muốn. Nói ngắn gọn, chúng ta sẽ thể hiện mình một cách tốt nhất, dù điều đó có thể trái ngược với tính cách thật sự của chúng ta. Tự nhận thức công khai có thể gây ra ‘nỗi sợ bị đánh giá’, như phiền muộn, sợ hãi và lo lắng về cách người khác nhìn nhận mình.
  2. Tự nhận thức riêng tư : dạng này xảy ra khi một người nhận thức được những khía cạnh của chính mình, nhưng theo cách riêng tư. Ví dụ, nhìn thấy mình trong gương là nhận thức riêng tư. Cảm giác sốt ruột khi nhận ra mình quên không ôn bài cho kì thi quan trọng hoặc cảm giác trái tim rung động khi thấy người mình thích cũng là những ví dụ của nhận thức riêng tư. Những người thân trong gia đình và bạn bè cũng biết những khía cạnh riêng tư của chúng ta bởi vì ta hay cởi mở xung quanh họ. Vì vậy, họ là sự hỗ trợ vô giá trong việc giúp chúng ta xem xét mình.

Khi chúng ta luyện tập để nhận thức mình tốt hơn và nhận thức cách người khác nhìn nhận mình, chúng ta sẽ hiểu thêm về những sắc thái trong tính cách mình một cách triệt để. Hơn nữa chúng ta sẽ ở vị trí tốt hơn trong việc loại trừ khuyết điểm nhân cách và biết được điểm mạnh mình ở đâu. Tiếp theo, chúng tôi sẽ điểm qua những cách giúp tăng sự tự nhận thức.

3 Cách tăng khả năng tự nhận thức – Bằng cách tự quan sát mình

Để có thể hiểu được tính cách của mình, chúng ta cần hiểu bản chất của tâm thức. Tâm thức bao gồm 2 phần – ý thức và tiềm thức. Tiềm thức vô cùng bao la và những dấu ấn bị chôn sâu trong đó không dễ để phát hiện và phân tích. Tuy nhiên, tâm thức của chúng ta mỗi ngày hay bộc lộ và phản ứng với các tình huống, sự kiện một cách tiêu cực. Kết quả là chúng ta thường cảm thấy không yên và có những cảm xúc như tự ti, sợ hãi hoặc giận dữ. Hầu hết chúng ta mệt nhọc sống qua ngày mà ít khi nào dừng lại và suy ngẫm vì sao chúng ta có những cảm xúc như vậy. Thật ra, thông qua những tình huống trong cuộc sống, tâm thức của chúng ta, bằng cách phản ứng tiêu cực với các tình huống và sự kiện đã mở ra cánh cửa để chúng ta khắc họa thêm vào bản chất của nó. Nếu ta chú ý và có cách nhìn khách quan, chúng ta có thể đi vào cánh cửa mà tâm thức đã mở ra. Thông qua quá trình này, chúng ta bắt đầu có sự nhận thức cao hơn về cách tâm thức hoạt động và cách nó phản ứng khi có các tác động. Đây gọi là siêu nhận thức, nghĩa là sự nhận thức và hiểu biết về tư tưởng của bản thân. Hoàn thiện bản thân theo cách này liên quan đến sự ý thức về cơ thể và tinh thần, gồm suy nghĩ, hành động, ý tưởng, cảm xúc và sự tương tác với người khác. Do đó là bước đầu để chiến thắng những cảm xúc và phản ứng tiêu cực.

Một người hay phản ứng tiêu cực với những tình huống và sự kiện trong đời là do những dấu ấn của khuyết điểm nhân cách trong tiềm thức.

Ví dụ, An cảm thấy khó chịu khi sếp khen ngợi đồng nghiệp của mình. Cô ấy không ngừng suy nghĩ về việc này suốt ngày hôm đó khiến cho cô ấy càng cảm thấy khó chịu hơn. Cô ấy bị đắm chìm trong ý nghĩ tiêu cực rằng, ‘dù mình có cố gắng thế nào đi nữa, mình cũng không được chú ý tới’. Tóm lại, ngày hôm đó của An trôi qua không suôn sẻ. Sau một đêm ngon giấc, An đã quên việc đó và tiếp tục cuộc sống của mình. Mặt khác, nếu lúc ấy An để ý cảm giác khó chịu và tự soi xét vì sao mình cảm thấy như vậy, An đã có thể hiểu được tâm thức mình và biết được khuyết điểm nhân cách nào đã bộc lộ và gây ra cảm giác khó chịu ấy. Từ đó, trong tương lai An sẽ có cách tránh được sự khó chịu xảy ra từ những sự việc tương tự và giữ tinh thần ổn định.

Khi An bắt đầu biết chú tâm và tự soi xét những cảm xúc của mình trong những tình huống tương tự, khả năng tự nhận thức của cô sẽ qua những giai đoạn tiên tiến hơn. Ví dụ,

  • Sự khó chịu kéo dài bao lâu đến khi cô nhận ra ?
  • Liệu cô có thể tự kết thúc sự khó chịu và tự chủ cảm xúc của mình ?
  • Liệu cô có tìm cách hướng nội và học hỏi thêm về bản thân và khuyết điểm nhân cách không ?
  • Ở đâu sự khó chịu tương tự xảy ra ? Ai có liên quan ?

4 Cách tăng khả năng tự nhận thức – Khi người khác góp ý và bắt lỗi mình

”Vặn nhỏ nhạc lại Tuấn”, Bố Tuấn la lớn. ”Không khi nào trong nhà được giây phút yên ổn khi con cứ bật nhạc to như thế.” Tuấn chửi thầm trong miệng, mặt mày sưng sỉa và vặn nhỏ âm thanh.
Không bao giờ là dễ để chúng ta có thể chấp nhận những góp ý tiêu cực của người khác về hành động của mình. Những lúc như vậy, những ý nghĩ như là, ‘sao họ không hiểu mình’, ‘mình không phải như vậy’, ‘mình không muốn nghe’ thường xuất hiện.
Giả sử Tuấn dừng lại một chút và nhìn vào tình huống với sự khách quan, cậu có thể học hỏi vài điều về cách người khác nhìn nhận mình. Khi người khác góp ý, cho dù điều đó khó nghe thế nào, cũng là manh mối để chúng ta biết thêm về cách người khác nhìn nhận mình. Nếu ai đó chịu đau khổ vì hành động của chúng ta, thường do những khuyết điểm nhân cách trong ta dẫn đến những hành động làm tổn thương người khác.

5 Cách tăng khả năng tự nhận thức – Bằng cách quan sát sai lầm của người khác và tự soi xét mình

Hùng và Trâm đang gây gổ với nhau về vấn đề việc nhà. Trâm cho rằng Hùng đã không làm đủ việc nhà còn Hùng thì liên tục viện cớ tại sao anh ấy không thể làm việc nhà đúng giờ. Khi bạn của họ là Hải nghe thấy họ cãi nhau, Hải nhận ra mình cũng như Hùng. Lúc ấy do là người ngoài cuộc và không liên quan tình cảm, Hải có thể khách quan nhìn nhận sự việc và thấy rằng những cái cớ của Hùng là trẻ con, vô lý và làm Trâm bực tức. Do nhìn thấy hậu quả của sự việc, Hải quyết định sẽ vượt qua sự lười biếng của mình và giúp đỡ vợ làm việc nhà mà không cần viện cớ nữa.

Đây là ví dụ về cách một người quan sát tình huống của những người khác, và qua đó hiểu rõ hơn về chính mình. Bởi vì không liên quan tình cảm trong tình huống của người khác, họ sẽ khách quan hơn và từ đó khả năng học hỏi hiệu quả hơn.

6 Những giấc mơ cũng mang những thông điệp về bản thân ta

Đôi lúc những dấu ấn sâu sắc trong tiềm thức của chúng ta hiện ra trong giấc mơ đến nỗi chúng ta có thể nhớ rõ giấc mơ và qua đó hiểu thêm về tâm thức mình.
Một đạo viên đã mơ về việc cô ấy lo sợ trước khi lên sân khấu để diễn thuyết. Cô ấy thức dậy mồ hôi nhễ nhại và không thể ngủ lại trong hơn một tiếng. Những giấc mơ như thế đáng cho ta dùng để tự soi xét mình, vì nó có thể khai sáng cho ta những vấn đề tiềm tàng trong tiềm thức của chúng ta.

7 Kết luận

  • Tự nhận thức là bước đầu để chiến thắng khuyết điểm nhân cách.
  • Tự nhận thức có thể đạt được thông qua sự quan sát những lỗi lầm của mình, hỏi ý kiến người khác, quan sát lỗi lầm của người khác một cách khách quan và qua những giấc mơ.
  • Mỗi khi cảm xúc không ổn định, thấy khó chịu và tức giận, chúng ta nên chú ý tự soi xét bản thân, để giúp ta ý thức được những khuyết điểm tính cách bị kích hoạt của mình.
  • Chúng ta nên cởi mở để học hỏi về chính mình và có dũng khí tiếp nhận ý kiến của người khác về mình. Qua đó, ta có thể khách quan phân tích lỗi của mình và tìm được những giải pháp thực hành hợp lý để hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn.